Trà ướp hương sen Hà Nội

Trà ướp hương sen Hà Nội

Người Hà Nội mời nhau dùng Trà ướp hương sen Hà Nội bày tỏ lòng trân trọng và tôn kính. Trà sen hồ Tây là kết tinh hương vị của đất trời Thăng Long.

  1. Bức tranh Trà ướp hương sen Hà Nội xưa

Hương trà ướp sen hồ Tây thơm mẹ cho nhấp thử mỗi lần thừa lộc tổ tiên cứ ngọt ngào theo tôi mãi. Vậy mà trong bao năm, tôi chưa hề tường tận cách ướp trà sen. Cụ Trinh Thục – Trần Thị Hà vốn là con gái quan tổng đốc Trần Tán Bình nổi tiếng trong giới sĩ phu Bắc Hà cuối thế kỷ XIX, sinh thời thường kể chuyện ngày xưa nhà vẫn mua sen, ướp trà, đãi khách.

Trà ướp hương sen Hà Nội rất cầu kỳ. Thứ nhất là khâu chọn sen. Không phải bất cứ loại sen nào cũng ướp được trà. Thứ sen trắng mỏng mảnh chỉ để làm cảnh cho các đình chùa hoặc hái để thờ cúng, cắm chơi… Còn ướp trà, phải là hoa sen đỏ, vì hương sen đỏ nồng đậm hơn, “ăn trà” hơn.

hoa-sen-tram-canh

Cũng không phải hễ thấy sen đỏ là đem ướp trà. Có thứ sen đỏ không thể ướp trà. Từ cổ chí kim, người Hà Nội nhất thiết chỉ dùng đúng một loại sen bách diệp mọc ở vùng Tây Hồ – Quảng Bá để ướp trà. Sinh nhật Bác là lúc lứa sen đầu mùa hé nở. Những bông hoa nở sớm nhất, chính là những bông hoa thơm nhất, nên đem ướp trà.

Việc hái sen ướp trà cũng không phải tùy tiện lúc nào cũng được. Người vùng Tây Hồ – Quảng Bá, Nhật Tân thường dậy từ mờ đất, chống thuyền đi lấy sen, kẻo khi mặt trời lên cao, sẽ làm hương hoa bay vợi mất. Rồi họ chở sen đến các nhà quen đặt hàng trên phố. Đôi khi để lấy lòng khách, họ ở lại cùng chung tay gỡ gạo sen cho nhanh, kẻo nhị hoa ôi mất.

Tôi còn nhớ, hồi trước, cứ mỗi kỳ mẹ ướp trà sen kỹ, cả hai tầng nhà đều thơm nức như trong động tiên. Và bọn trẻ con chúng tôi tha hồ lấy những chiếc gương sen tròn nhỏ, đứng trên cao thả dù sen xoay tròn trên không trung như những mặt trời vàng rực rỡ. Những ánh mặt trời lung linh ấy, có lẽ không bao giờ mờ phai trong ký ức.

Hạt gạo sen hồ Tây, cứ phải trắng tươi màu sữa, to mẩy như hạt gạo nếp cái hoa vàng mới là thứ gạo sen tốt. Các cụ bảo thứ đã ngả sang màu ngà ngà thì nên bỏ đi, ướp như thế phí trà, tốn công! Sau khi sàng sẩy vài ba lần cho gạo sen sạch sẽ, tinh tươm, không lẫn một chút tua sen, cánh sen dù là bé nhỏ nào, có thể tạm gọi là xong phần sen.

Một góc cửa hàng Trà sen Minh Cường, thương hiệu uy tín bán các sản phẩm trà ướp hương sen Hà Nội

Một góc cửa hàng Trà sen Minh Cường, thương hiệu uy tín bán các sản phẩm trà ướp hương sen Hà Nội

  1. Tinh túy Trà ướp hương sen Hà Nội

Trà ướp hương sen Hà Nội là cuộc hôn phối giữa hai thức quý giá tinh túy của trời đất kết hợp với nhau. Cứ một lượt trà, lại một lượt gạo sen. Tuy nhiên có mấy điều kiêng kỵ. Người ướp trà phải giữ thân mình sạch sẽ thơm tho theo lối tự nhiên. Tuyệt đối không dùng xà phòng thơm hay nước hoa để tắm gội, bôi xức, trà sẽ mất mùi, hỏng vị. Nhà hàng xóm có đám tang hay ngả thịt cầy phải dừng ngay việc ướp trà.

Sau một ngày đêm ướp trà với gạo sen, phải đem bỏ lượt gạo sen cũ. Nhưng khi sàng sẩy, phải ngồi trong buồng kín, hệt như lúc lấy gạo sen, không được dùng quạt trần hay quạt máy, quạt nan, quạt giấy gì sất, kẻo bay hết hương sen. Sau mỗi đợt ướp trà như thế, người ta phải sàng bỏ lượt gạo sen cũ, đưa trà đi sấy khô rồi mới ướp tiếp đợt hoa khác.

Sấy trà hương là một nghệ thuật đặc biệt khe khắt, vì nó góp phần quyết định phẩm chất trà và quyết định độ bền của hương thơm sau này. Nhiên liệu sấy tốt nhất là than hoa. Sấy không nên sấy nóng quá, chỉ để khoảng 50 đến 60 độ thôi. Nhưng mà phải sấy thật kỹ. Nếu sấy dối, đưa lên mũi ngửi thì thơm sực lên, nhưng mà để lâu sẽ chóng mốc. Nếu mà sấy kỹ thì tuy tốn sen nhưng bền hương.

Sau chừng từ 5 – 7 lần ướp và sấy như thế, tùy theo mỗi nhà, trung bình cứ một cân chè ướp hết 1.000 đến 1.200, hoặc cao nhất là 1.500 bông sen, là được. Rồi đem đóng gói cất giữ theo lối gia truyền.

Trà ướp hương sen Hà Nội cầu kỳ, tinh tế thế đấy!

Lược theo Vũ Thị Tuyết Nhung