Trà dệt hương sen Bách diệp

Người Hà Nội cầu kỳ trong lối ăn, lối chơi, nên có thứ trà ướp hoa “đệ nhất”, đó là trà sen Tây Hồ. Năm tháng qua đi, nếp là thưởng trà sen, Trà dệt hương sen Bách diệp vẫn còn mãi…

  1. Kỳ công tác hợp hương sen – vị trà

Hơn 5 giờ, trời mới tang tảng sáng, ấy là lúc những búp sen bách diệp hàm tiếu đã được người thợ hái từ dưới đầm, chở lên bờ. Tiếp đó, sen chuyển đến các xưởng trà, nơi những người thợ trà chuẩn bị cuộc tác hợp dệt hương sen vào vị trà Thái Nguyên.

6h sáng, chị Hương Ly trở dậy, chuẩn bị sẵn những mẹt trà Thái Nguyên, hệt như bố mẹ chú rể khấp khởi đợi đón dâu con về nhà ngày đại lễ. Tiếng xe máy đã đỗ bên con phố Nguyễn Ngọc Nại, Hà Nội. Sen đã về. Mấy chị em ào ra đón sen, như đón một niềm vui háo hức đã đợi chờ lâu.

Sen Bách diệp Tây Hồ cánh to, hương đằm. Người ta bảo sen bách diệp vì có trăm cánh. Bông sen chia 2 lớp cánh, to bọc ngoài, nhỏ bên trong bọc đài sen. Bóc ra khi sen hàm tiếu thì lớp cánh trong vẫn ôm lấy nhị. Mở lớp cánh sen nhỏ ra, thì sẽ thấy những nhị sen. Gạo sen là những hạt nhỏ ở đầu những sợi chỉ vàng thế này. Người thợ trà khéo léo tách lấy gạo sen, đấy là “túi hương” của bông sen”.

Nghề ướp trà sen ở đất kinh kỳ trăm năm có lẻ. Vùng Quảng An, Quảng Bá có đến vài chục gia đình ướp trà sen. Chị Hương Ly học hỏi để làm trà dệt hương sen Bách diệp từ những người thợ trà vùng đất Quảng An, kết hợp những sáng tạo riêng có. Làm trà sen phải có duyên, chị Hương Ly bảo, đến độ cảm nhận và sống cùng với nghề.

Gạo sen tách ra, cho vào ướp trà. Qua 18 đến 24 tiếng là đủ thời gian mong muốn, sàng gạo ra, sấy khô; rồi lại “vào hương”. Quy trình lặp đi lặp lại đúng bảy lần. Ðể ướp được 1 kg trà sen, cần khoảng 1 kg gạo sen. Ðể có 1 kg gạo sen, cần ít nhất 1.000 bông. Khi “dệt” hương xong, nước trà không còn mầu xanh nữa mà chuyển sang đo đỏ. Ðấy mới thực “chất” trà sen.

2. Trà ướp bông sen tươi, quà độc

Phải nói rằng, dọc dài đất nước Việt Nam ta có nhiều nơi ướp trà sen. Nhưng sen Tây Hồ là sen đệ nhất. Tây Hồ xưa có nhiều đầm sen, đầm Ðồng, đầm Trị, đầm Thủy Sứ… “Ðấy vàng đây cũng đồng đen/ Ðấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ”. Người Hà Nội từ xa xưa đã tự hào về sen Tây Hồ như thế. Người Quảng An có nghề ướp trà sen từ lâu. Ðời nọ nối đời kia. Giờ, nước ô nhiễm hơn, sen ưa sạch nên mất dần. Người Quảng An đem giống sen bách diệp ấy trồng ở Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rồi mua về để ướp. Vì thế, diện tích được nhân lên.

Nhiều người Hà Nội bây giờ tự mua sen về ướp. Mở đóa sen ra, cho trà, gói lại để “dệt” hương. Hôm sau là uống được. Bông nhỏ thì một, bông to thì được hai ấm. Đó là cách “ướp sen bông”. Công đoạn ướp trà bông sen không khó làm. Đầu tiên là đối với hoa sen, phải chọn những bông sen tươi, bông to, nhiều gạo. Thứ 2 là trà phải là trà ngon, thường là Trà Tân Cương Thái Nguyên.

Cách ướp của người Hà Nội cầu kỳ hơn cả. Trà sen Tây Hồ trở thành thức uống tiêu biểu cho sự thanh nhã, tinh tế của người Tràng An – Hà Nội. Trà sen có thể đem đi biếu như một món quà độc đáo của người Hà Nội. Nhiều khách hàng chẳng những mua dùng dần cho gia đình cả năm mà còn mang vào Nam, mang ra nước ngoài biếu người thân, bạn bè.

Trà dệt hương sen Bách diệp trăm năm có lẻ, ngày càng nhiều người thích.